Th4 3, 2024
Tiết Thanh Minh trong đời sống tâm linh người Việt

Người quá cố là một phần quan trọng trong tâm thức của người Việt. Tiết Thanh minh trong tâm đời sống tâm linh người Việt là rất quan trọng. Đó có thể là cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình. Một năm người Việt dành ra 3 ngày để tưởng nhớ thân nhân quá cố của mình (tiết thanh minh, ngày giỗ, tất niên).

Tiết Thanh Minh trong đời sống tâm linh người Việt

Tiết Thanh Minh được bắt nguồn từ Trung Quốc, cái nôi của Nho học và nó đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Tiết Thanh Minh là tiết khí sau tiết Lập xuân 60 ngày, thường vào khoảng tháng 3 âm lịch. Bởi vậy Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Tết Nguyên Đán là ngày sum họp của gia đình trên trần thế, người Việt lại nhớ nghĩ đến những người quá cố. Bởi vậy Tiết Thanh Minh là dịp con cháu đi ra ngoài đồng, nghĩa địa thăm phần mộ của ông bà, cha mẹ, anh chị em.

Những việc cần làm khi đi Thanh Minh là nhặt cỏ, nhổ cỏ, đắp lại mồ mả (tu sửa mộ phần) cho sạch đẹp hơn làm ấm lòng những người quá cố, tránh để hương lạnh khói tàn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đem theo những lễ vật, tiền vàng, hương nến trước là lễ tạ thần linh bản xứ cầu mong phù hộ cho vong linh gia đình được yên nghỉ tại phần mộ được an lành, phong thủy, mạch khí được tốt, không bị các tác nhân xấu làm ảnh hưởng tới mộ phần vong linh. Sau đó là thăm hỏi thân nhân quá cố, mời các cụ kỵ ông bà thụ dụng những món ngon ngọt con cháu kính dâng, đốt chút giấy tiền vàng mã, với tâm niệm “trần sao âm vậy” để biếu các cụ và yên lòng con cháu.

Ngày nay, những người con Phật lại mang những chiếc máy niệm Phật sử dụng năng lượng mặt trời cắm trên phần mộ của thân nhân quá cố. Với mong muốn những tiếng niệm Phật, tụng kinh làm thức tỉnh Phật tính của vong linh quá cố nếu còn lai vãng mộ phần, từ đó vong linh sớm được siêu thoát, tái sinh sang những cảnh giới an lành.

More Details
Th4 2, 2024
Hỏi đáp về thờ Phật tại gia

Câu hỏi 1: Nên thờ ảnh hay tượng Phật ?

Đáp: Thờ ảnh Phật hay tượng Phật đều được. Ảnh Phật chỉ nhìn được một mặt, còn tượng Phật chúng ta nhìn được ba chiều, chân thật hơn. Thờ ảnh Phật thích hợp để ban thờ nhỏ, giới hạn về không gian. Hình tượng Phật ngoài mục đích để thờ, hình tượng Phật có thể được trang trí ở những nơi trang trọng như phòng khách, đại sảnh để gieo mầm tín tâm với mọi người, tránh những nơi dơ bẩn, thiếu trang nghiêm.

Câu hỏi 2: Nên thờ vị Phật nào?

Đáp: Mỗi một vị Phật đều có những hạnh nguyện khác nhau do đó tùy theo tâm nguyện của mọi người mà chúng ta thờ vị Phật nào cho phù hợp.

Thờ Phật Thích Ca Mâu Ni là thờ vị Phật hiện thực khai sáng ra Phật giáo, là nhân vật có thật và là vị thầy của tất cả trời người, hàng Phật tử, người chỉ đường dẫn dắt chúng ta đi đúng với chính pháp

Thờ Phật A Di Đà là những người theo Tịnh độ tông, mong muốn tu theo hạnh nguyện của Ngài, để hiện tại an lạc, tương lai vãng sinh về thế giới Cực Lạc không còn khổ đau

Thờ Bồ tát Quán Thế Âm là thờ một vị Bồ tát với hạnh nguyện độ sinh cứu vật, Ngài như một người mẹ hiền luôn lắng nghe và che chở cho hết thảy chúng sinh đem lại bình an và hạnh phúc

Thờ Bồ tát Địa Tạng là thờ một vị Bồ tát với tâm địa rộng lớn và vững trãi như mặt đất, Ngài đem lại an lạc cho gia đình, cứu độ những thân nhân quá cố, bảo hộ những thai nhi giúp mẹ tròn con vuông v.v…

Còn rất nhiều Phật khác nữa, trong kinh Phật thường nói là thập phương Hằng hà sa số Phật tức là chư Phật trong mười phương nhiều như số cát của sông Hằng.

Về bản chất dù thờ vị Phật hay Bồ tát nào cũng được, vì các ngài đã là Phật Bồ Tát là hàng đẳng giác (sự giác ngộ như nhau), đều đầy đủ bốn vô lượng tâm(Từ Bi Hỷ Xả), sáu Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) vạn hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Câu hỏi 3: Có nên thờ nhiều vị Phật trong nhà?

Nếu không gian thờ của gia đình nhỏ hẹp thì chỉ nên thờ một đức Phật, hoặc tranh ảnh 3 vị như Tây phương Tam Thánh, Ta Bà Tam Thánh, Đông phương Tam Thánh. Nếu gia đình quý vị có một không gian thờ rộng rãi trang nghiêm và có tâm nguyện thờ nhiều đức Phật để học theo hạnh nguyện của các ngài thì có thể thờ nhiều đức Phật, Bồ tát.

Câu hỏi 4: Có nên thờ Phật riêng một ban thờ hay không?

Nếu không gian thờ rộng rãi chúng ta có thể thờ Phật riêng một ban tách biệt cho trang nghiêm thanh tịnh. Nếu không gian chật hẹp, không có điều kiện ta có thể thờ Phật chung với ban thờ gia tiên. Tuy nhiên nên đặt hình tượng Phật cao nhất, ở chính giữa, hai bên có thể thờ thần linh, gia tiên và khi đã thờ Phật, trên ban thờ đặt những đồ thờ cúng chay tịnh không cúng các đồ thịt rượu sát sinh. Ngày giỗ chạp nếu gia đình không thể cúng đồ chay thì có thể sắp một mâm cơm mặn đặt trên chiếc bàn nhỏ ở phía dưới ban thờ để mời gia tiên thụ dụng.

Câu hỏi 5: Cúng Phật cần những đồ gì?

Cúng Phật là để bày tỏ lòng thành kính của chúng ta với Phật, thường gồm: hương(nhang), hoa, đèn(nến), trà nước, trái cây, đồ ăn(chay) như xôi, chè, bánh, oản bột v.v… Nếu có ban thờ rộng rãi thì có thể bày nhiều đồ lễ cúng, nếu ban thờ chật hẹp thì chúng ta bày mỗi loại một món sao đồ tinh sạch, thanh tịnh như một bông hoa, một chén nước, một quả trái cây v….

Câu hỏi 6: Nên sắp xếp bố cục ban thờ như thế nào cho hợp lý?

Ban thờ là đồ vật tâm linh, gắn với âm dương. Thờ bát nhang thì nên để một hoặc tối đa 3 bát nhang. Các đồ vật khác kể cả hình tượng Phật nên sắp xếp những vật có 1 hoặc số lẻ thì cho vào giữa, những vật số chẵn thì cho sang 2 bên. Ví dụ: 1 tượng Phật để giữa, 1 bát nhang để giữa, 2 bình hoa để 2 bên, 2 đèn thờ để 2 bên v.v…

Câu hỏi 7: Thờ Phật có lợi ích và Công đức như thế nào?

Kinh Tạo Tượng Công Đức có nói: “Nếu ai dùng đất đá, keo sơn, đồng chì, vàng bạc .. để họa vẽ, tạo tượng Phật được hưởng phước báo rất lớn:

1. Thường sinh ra làm thân nam nhi đoan chính, các căn đầy đủ, không bệnh tật xấu xí

2. Nếu sinh làm thân nữ thì thường xinh đẹp, thuộc dòng dõi cao quý

3. Không sinh vào những nơi thấp hèn mà thường sinh vào nhà chánh kiến có địa vị giàu sang cho đến địa vị Chuyển Luân Thánh Vương, Phạm Vương, được mọi người tôn kính, quý mến

4. Sáu căn thông đạt; mắt tinh, tai sáng, mũi thính, lưỡi chuẩn, thân kim cang, ý tường tận

5. Không sinh vào những nơi xấu ác, hẻo lánh mà thường được sinh ở những nơi lành, trung tâm tiếp nhận nhiều nền văn hóa, không gặp những bạn ác hiểm và không bị bạn ác hiểm mưu hại, thường gặp bạn lành, những người bạn bè láng giềng tốt đẹp

6. Không bị đọa đường ác ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh,

7. Các nghiệp xấu ác đều được tiêu trừ cho đến tội thập ác ngũ nghịch

8. Đời đời sinh ra luôn được thân gần Tam Bảo, tu hành sớm thành Phật quả”

Thờ Phật là thờ bậc giác ngộ hoàn toàn, đem lại cảm giác an lành trong gia đình, khiến gia đình ấm êm hạnh phúc. Nhờ có hình tượng Phật trong nhà, mọi người tu nhân tích đức khiến gia đình ngày một phát triển, phúc lộc trường tồn.

Câu 8: Nhà chung cư có thờ được Phật không?

Tâm của Phật là tâm từ bi, rộng lớn vô biên, tâm của chúng ta là tâm chúng sinh nên có chật hẹp. Thờ Phật ở nơi nào cũng được miễn là vị trí đặt tượng Phật trong không gian đó trang nghiêm nhất. Tránh đặt ban thờ bên dưới tầng mà trên là nhà vệ sinh, giường ngủ v.v..

Trong trường hợp không có không gian, khi muốn đọc kinh Phật, lễ lạy Phật ta có thể sắp xếp gọn gàng phòng ốc trước rồi bày hình tượng Phật để lễ lạy, sau đó chúng ta lấy vải, bọc hình tượng Phật cất đi và để nơi thanh tịnh là được.

Câu 9: Không muốn thờ tượng Phật nữa thì phải làm sao?

Trong trường hợp gia đình không muốn thờ hình tượng Phật nữa thì gia đình có thể tặng lại cho một Phật tử nào đó thờ tiếp hoặc đem gửi vào chùa xử lý. Trường hợp hình tượng Phật bị hư vỡ, chúng ta có thể đem đốt hoặc chọn nơi đất sạch chôn vùi lại.

More Details
Th4 1, 2024
Thờ hình tượng Phật có từ bao giờ?
ban-tho-phat-tai-gia

Trích trong kinh Phật Thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng (Đại Chính Tạng Tân Tu, Tập 16, trang 790a).
Một thời, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân là bà Ma Da. Vua Ưu Đà Diên không tìm thấy bóng dáng của Phật, sinh lòng khát ngưỡng nhớ mong. Vua bèn triệu tập các thợ điêu khắc nổi tiếng để tạo tượng Phật. Không ai dám đảm đương vì Phật có dung mạo trang nghiêm, 32 tướng tốt, 80 tùy hình. Một vị trời tên Tỳ Thủ Yết Ma hóa làm thợ mộc dùng gỗ chiên đàn để tạo tượng Phật.

Thờ tượng Phật là để tưởng niệm Phật, giống như Phật đang hiện hữu. Nhờ vào việc thờ Phật chúng ta trau dồi bản thân theo những lời Phật dạy. Từ đó làm lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

More Details
Th12 1, 2023
Liên hệ với chúng tôi



    More Details
    Th7 23, 2023
    Giới thiệu về Shop Phật giáo Diệu Âm

    Nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Văn Cao của quận Ba Đình, Hà Nội, Shop Phật giáo Diệu Âm nằm thu mình trong một ngôi nhà nhỏ, cách xa mặt đường lớn khoảng 10m cũng để tách xa khỏi những âm thanh huyên náo của phố phường để chìm vào âm thanh du dương của những bài nhạc thiền, những Mantra giúp khách hàng quay về với chính niệm.

    Shop Phật giáo Diệu Âm ra đời từ năm 2009 không ngoài mục đích hoằng pháp lợi sinh nên quý khách đến nhận được nụ cười niềm nở, được ngồi đàm đạo (nếu có thời gian). Quý khách có thể mua hàng hay không điều đó cũng không quan trọng. Shop có sản phẩm gì đều có thể chia sẻ, có thể đó là những quyển sách hay, những bài pháp được góp nhặt bởi các vị thầy đúng như phương châm của shop:

    Bán buôn như chiếc thuyền từ
    Chèo đưa mộng khách tìm về chân như
    Bán buôn biết đủ mà thôi
    Tiền tuy cũng quý tình người quý hơn.

    Tất cả các sản phẩm của Shop cung cấp đều rất tâm huyết ví như; tượng Phật sắc diện phải có hảo tướng, có hồn, kinh sách cũng chọn lựa những sách có nội dung hay mà chủ shop đã đọc qua v.v…
    Đặc biệt với bàn tay thiên phú, chủ shop nhận gia công xâu tất cả các loại vòng(tràng) hạt bằng những loại dây có độ bền cho các quý thầy, đạo hữu Phật tử, có thể là những chuỗi hạt phong thủy đến những loại tràng hạt bí mật dùng để tu trì. In rửa tranh ảnh hình Phật cũng là một thế mạnh của shop, đích thân chủ shop chỉnh sửa với mọi kích thước theo yêu cầu để có những tấm hình Phận trang nghiêm mỗi khi chiêm bái.

    Cổ đức có câu: “Phục vụ chúng sinh đích thực là cúng dường chư Phât”. Điều này khiến Shop Phật giáo Diệu Âm luôn trăn trở và mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt hơn đem đến cho khách hàng sự hài lòng, an tâm, giác ngộ và giải thoát.

    Trong thời đại kỹ thuật số, không gian mạng, bán hàng online khó nhận biết thực hư nếu quý huynh đệ dành một chút thời gian ghé qua Shop để xem sản phẩm thực tế, chân thực đó mới là điều chúng tôi luôn trân trọng.

    Thay mặt shop, tôi xin trân thành cảm ơn quý Thầy, quý đạo hữu và tất cả khách hàng đã tin tưởng, mua hàng tại shop trong suốt thời gian qua. Shop xin hứa sẽ luôn cải tiến trong mọi phương diện để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
    Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    Nếu quý vị cần thỉnh những vật phẩm để trang nghiêm nơi thờ tự, điện Phật và các vật dụng tu học xin vui lòng lưu tâm ghé thăm:

    Shop Phật giáo Diệu Âm
    Địa chỉ duy nhất: số nhà 7 ngõ 123 đường Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội
    Hotline: 091.7879.248

    More Details